Chuyên đề 3: Giáo lý dành cho trẻ từ 7- 9 tuổi

Chuyên đề 3: Giáo lý dành cho trẻ từ 7- 9 tuổi

WGPSG -- Chuyên đề 3: Giáo lý dành cho trẻ từ 7-9 tuổi (Giáo lý phổ thông) đã diễn ra tại hội trường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, thuộc Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM dưới sự hướng dẫn của 2 giảng viên: Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền – Trưởng ban Giáo lý TGP TPHCM, và Nữ tu Anna Nguyễn Thị Phương Dung – Dòng Thánh Phaolô.

Ngày 22/07/2015, ngày thứ nhất trong chuỗi 3 ngày làm việc liên tiếp về chuyên đề này.

Khoảng 50 tham dự viên, gồm các tu sĩ nam nữ, các anh chị giáo lý viên đến từ các giáo xứ trong Tổng Giáo phận cùng hiệp ý cầu nguyện bằng bài hát “Chạm lòng con”. Tiếp theo, cha Phêrô đã chia sẻ một vài câu hỏi mà báo Công giáo & Dân tộc phỏng vấn cha xoay quanh các vấn đề: việc dạy và học giáo lý của Tổng Giáo phận, việc không thống nhất giáo trình dạy giáo lý, và những đổi mới trong việc dạy giáo lý.

Về việc dạy và học giáo lý trong Tổng Giáo phận, cha vui mừng chia sẻ về truyền thống tốt đẹp là các đấng, các bậc cũng như tu sĩ và giáo dân luôn chăm lo cho công cuộc giáo dục đức tin, đặc biệt chăm lo cho thanh thiếu niên. Giáo lý phổ thông đã chuyển một bước dài từ giáo lý bí tích sang giáo lý lứa tuổi nghĩa là giáo dục đức tin trường kỳ cho người tín hữu, đồng thời quy tụ các hoạt động giáo lý khác dành cho các đối tượng như giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, giáo lý dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt. Nối kết việc giáo lý cho các đối tượng này với nhau trong một đường hướng và phương thức chung: nhắm đến hiệp thông, thực hiện dưới hình thức gặp gỡ dựa trên nền tảng của Lời để phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Về giáo trình chưa thống nhất, cha thừa nhận một cách khách quan việc giáo trình chưa thống nhất giữa các giáo xứ trong Tổng Giáo phận vì điều này đáp ứng một phần nào nhu cầu khác nhau của các cộng đoàn. Tuy nhiên, cha cũng bày tỏ sự lo lắng cho việc không thống nhất này sẽ dẫn đến sự không toàn vẹn trong việc dạy giáo lý, và cha cũng đưa ra lời khuyên là mỗi giáo phận nên chọn 1 bộ giáo lý thích hợp hoặc tự soạn bộ giáo lý riêng tùy vào hoàn cảnh của giáo phận và áp dụng chung cho toàn giáo phận.

Về những điều cần đổi mới trong việc dạy giáo lý hiện nay, cha chia sẻ mục tiêu của Đại hội giáo lý lần thứ 4 đã diễn ra từ ngày 18-21/08/2014 tại Trung tâm Mục vu Tổng Giáo phận Huế với 237 GLV gồm 2 giám mục, 118 linh mục, 45 tu sĩ, 8 chủng sinh và 64 giáo dân thuộc 26 giáo phận trên toàn quốc, là chuyển đổi từ một huấn giáo nghiêng về thông tin hay truyền đạt kiến thức sang một nền huấn giáo xây dựng và phát triển hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với mọi người qua nỗ lực đối thoại và hòa giải. Cha nhấn mạnh “ngoài việc trình bày nội dung đức tin, giáo lý viên còn phải giúp học viên cầu nguyện với Chúa nhờ lắng nghe và đón nhận Lời từ đó hoán cải để sống và rao giảng Tin Mừng. Việc dạy giáo lý không chỉ chạm đến cái đầu mà nó phải đến trái tim và đến đôi tay... Bản thân giáo lý viên không thể đổi mới việc dạy giáo lý nếu không có sự thống nhất đường lối, hợp tác và hỗ trợ giữa các thành phần dân Chúa, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân; giữa giáo phận, giáo xứ, và gia đình”.

Tiếp đến, sơ Anna hướng dẫn cách sử dụng sách giáo lý phổ thông mang tên “Hiệp Thông”. Sơ nhấn mạnh trọng tâm của việc dạy giáo lý theo giáo trình mới đó là Lời Chúa, giáo lý viên cần phải đọc Lời Chúa và cảm được Lời Chúa trước khi chia sẻ cho người khác. Sơ nhấn mạnh “Bởi vì giáo lý là giáo dục đức tin cho nên đức tin không thể nào chúng ta truyền thông bằng trí hiểu mà chúng ta chỉ truyền thông từ tâm hồn”. Sơ hướng dẫn cách phân tích bản văn Lời Chúa nhằm hiểu rõ sứ điệp của bản văn từ đó có thể truyền đạt cho các em một cách dễ hiểu. Sơ hướng dẫn nhiều trò chơi để thu hút các em đọc Lời Chúa: Điền vào chỗ trống, dùng ký hiệu, Kinh Thánh bằng hình. Buổi trao đổi kết thúc lúc 20g40 với sự mong chờ vào một bộ giáo trình thống nhất cho Tổng Giáo phận.

 

Ngày 23/07/2015, ngày thứ 2 của chuyên đề, các học viên được xem DVD tiết học mẫu gồm 10 bước do Ban Giáo lý đã dành nhiều tâm sức làm ra.

Bước 1: Dẫn nhập và đón tiếp

Bước 2: Cầu nguyện đầu giờ

Bước 3: Dẫn nhập

Bước 4: Trình bày Lời Chúa

  1. Tiếp cận bản văn
  2. Quan sát bản văn
  3. Tìm hiểu ý nghĩa bản văn

Bước 5: Nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa

  1. Các em đón nhận Lời Chúa
  2. Các em gặp gỡ Chúa trong thinh lặng
  3. Các em trao đổi với giáo lý viên

Bước 6: Cầu nguyện giữa giờ

Bước 7: Quyết tâm

Bước 8: Củng cố

Bước 9: Ghi nhớ

Bước 10: Cầu nguyện kết thúc

Sau đó, các học viên được chia thành 4 nhóm cùng thảo luận và nhận xét về DVD tiết học mẫu; cả 4 nhóm đều thống nhất về sự cần thiết của tiết học mẫu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để áp dụng trong thực tế là điều hết sức khó khăn. Cha Phêrô cũng đồng cảm với các nhóm về vấn đề này, và cha mong muốn các giáo lý viên cần mạnh dạn thử nghiệm theo hình thức mới này, đổi mới cách dạy sao cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo xứ.

Ngày 24/07/2015, Cha Phêrô giúp các học viên hiểu được mục đích của việc cử hành trong bộ giáo trình giáo lý Hiệp Thông, “giúp học viên nhìn lại để củng cố hay đào sâu tương quan với Chúa”. Cha đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của phụ huynh trong việc cộng tác với giáo lý viên nhằm giáo dục đức tin của các em. Cha chia sẻ điểm mới của bộ giáo trình giáo lý Hiệp Thông đó là không có phần khảo bài, điểm số vì điều này ảnh hưởng không tốt đến sự yêu thích học hỏi Lời Chúa của các em.

Buổi học cuối cùng kết thúc trong niềm vui với các chị giáo lý viên khi được học và hiểu thêm nhiều điều mới mẻ để trang bị cho hành trang ra đi thực hiện sứ vụ mà Giáo hội đã thay mặt Chúa trao phó cho các anh chị.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top