Chúa nhật 6 Thường niên năm A (+video)

Chúa nhật 6 Thường niên năm A (+video)

Chúa nhật 6 Thường niên năm A (+video)

Mt 5,17-37

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ lề luật,
nhưng là để kiện toàn”. (Mt 17,17)

Thiên Chúa là một nhà giáo đầy kinh nghiệm.

Ngài đòi hỏi con người phải vươn lên nhưng Ngài không đòi hỏi điều vượt quá khả năng của họ.

Khi ban Mười Ðiều Răn cho dân Israel, qua ông Môisen, Ngài đưa họ ra khỏi tình trạng sống theo luật rừng.

Luật Môisen là một tiến bộ lớn hơn trong nền luân lý, nhưng vẫn chỉ là bước chuẩn bị cho luật Bác ái yêu thương của Ðức Giêsu.

Luật mới này không huỷ bỏ, nhưng kiện toàn luật cũ.

Lời của Chúa Giêsu phải là thước đo để ta xét mình.

Có khi nào bạn tự kiểm dựa trên một đoạn Tin Mừng này không ?

Ðoạn Tin Mừng hôm nay mời ta nhìn lại miệng và mắt, hai giác quan dễ được dùng để phạm tội nhất.

Lời nói biểu lộ tâm hồn: lòng có đầy mới tràn ra miệng (Mt 12,34).

Khi đêm về, nhìn lại những gì mình đã nói, ta thường thấy có rất ít yêu thương và sự thật, nhưng lại đầy ắp cái tôi ích kỷ, lọc lừa.

Còn con mắt là cơ quan tiếp thu thế giới bên ngoài.

Mắt không chỉ là cửa sổ, mà là cửa chính của tâm hồn.

Các cơn cám dỗ thường qua cửa đó mà đến với ta.

Mắt thích nhìn cái đẹp.

Cái nhìn đem lại khoái lạc và thổi bùng lên ngọn lửa thèm muốn, khiến người ta dám làm chuyện trái luân thường đạo lý.

Đây là câu chuyện ở tận đời Đường:

Trương Diên Thương là vị quan nổi tiếng thanh liêm. Một hôm đang tra khảo một tội nhân, thì người nhà của kẻ này đưa vào cái thiếp có ghi 5 vạn quan tiền. Trương gạt đi, tiếp tục tra khảo. Sau đó, lại đưa vào thiếp khác ghi 8 vạn quan. Trương cũng lại gạt đi và tra khảo nữa. Đến lần thứ ba, thiếp được đưa vào ghi 10 vạn. Trương thôi tra khảo và cho vụ án chìm xuồng.

Một người bạn thân của Trương biết chuyện, bèn trách:

- Xưa nay anh được tiếng là thanh liêm, sao bây giờ ăn hối lộ ? Chẳng những làm mất thanh danh vun đắp bấy lâu mà còn gây tổn đức hạnh cho con cháu về sau...

Trương trả lời:

- Tiền chí thập vạn, khả dĩ thông phần (Tiền đến 10 vạn, thì thần cũng thua).

Qua câu nói này, Trương Diên Thương thú nhận đạo đức của mình dưới 10 vạn. Khi điều kiện cám dỗ lên trên mười vạn thì đạo đức ấy bị phá sản.

Sau này, trong bài vịnh tiền, Nguyễn Công Trứ có câu:

“Tiếng xỏng xảnh vang trong trời đất

Thần cũng thông huống nữa là ai “

Hãy nghe tâm sự của một con người, một con người đã từng được sinh ra làm người trên trần gian này như mọi người đang sống hôm nay: “Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình bất hạnh. Em bước vào đời cũng trong tủi nhục và đau thương. Người tình ăn chơi trác táng đã để lại cho em di chứng của căn bệnh thế kỷ. Lẽ ra em đón nhận nó như một biến cố không may cho cuộc đời. Vậy mà em đã trả thù, em đã trả thù cánh đàn ông bạc tình bạc nghĩa. Kết quả là hơn ba chục thanh niên đã lây bệnh do em truyền sang. Đau đớn thay hơn ba chục người ấy thì hơn một nửa là học sinh của một trường Trung Học cấp II nọ”.

Tại sao em lại trả thù như thế ?

Tại sao hơn ba chục con người đã liều mình đánh đổi cuộc chơi chóng vánh để mang trong mình án tử như vậy ?

Tất cả là nỗi đau, nỗi đau tột cùng của tôi, của bạn và của nhiều người.

Ước gì ta nghe Lời Chúa, biết tha thứ để đời bớt đau hơn.

Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:

Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: “Ta đã trả thù được rồi”.

Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Tức khắc, cô nhận ra người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút hận thù, không một lời oán trách, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”.

Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Lấy hận thù để tiêu diệt hận thù, con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.

Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự hận thù trong tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện để làm cho khuôn mặt con được ngời sáng hơn. Amen.

Top