Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A (+video)

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A (+video)

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A (+video)

Ga 4,5-42

“Còn ai uống nước tôi cho,
sẽ không bao giờ khát nữa
”.
(Ga 4,14)

Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của một người đi tìm hạnh phúc. Hàng ngày chị phụ nữ đi kín nước, nhưng chị chẳng thể làm dịu được cơn khát cháy bỏng trong lòng chị. Cuộc đời của chị lắm gian truân. Chị có giếng nước của tổ tiên, nhưng sao chị vẫn khát ? Chị có nhiều tình nhân, nhưng sao chị vẫn cô đơn khắc khoải ? Chị thờ phượng Chúa nơi Đền thờ trên núi Gêrizim, nhưng sao chị vẫn thấy trống vắng ?  Phải chăng những gì chị đang có, đang theo đuổi chỉ là ảo ảnh ? Phải chăng chị chưa bao giờ nếm được tình yêu chân thật ? Phải chăng niềm tin tôn giáo của chị chỉ là hư không, khi vắng bóng Thiên Chúa trong Đền thờ ?

Từng bước một, Chúa Giêsu hé mở cho chị thấy chân trời hạnh phúc. Từng bước một, Chúa Giêsu khơi dậy trong chị lòng mong ước được uống Nước Hằng Sống. Cơn khát của chị chỉ có thể được thoả mãn khi chị bắt đầu ý thức được đâu là những gì vĩnh cửu và đâu là những cái chóng qua. Điều quan trọng là chị cần mở lòng đón nhận Ngài. Và chị đã mở lòng để đón nhận Tin Mừng, đón nhận ân sủng từ Đấng sẵn sàng ban cho chị tình yêu đích thực. Chúa Giêsu dịu dàng nhìn chị và tuyên bố:

- Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây (Ga 4,26).

Chị sung sướng quá, hạnh phúc quá. Chị bỏ cả vò nước, bỏ sau lưng mặc cảm dày vò, bỏ lại quá khứ, chạy về với xóm làng trong tiếng hò reo:

- Đến mà xem! Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ? (Ga 4,29)

Như người thiếu phụ bên bờ giếng, trong tâm hồn của mỗi người chúng ta cũng có một thứ khát vọng sâu thẳm vượt lên trên những nhu cầu vật chất và tình cảm. Tự đáy lòng, con người luôn khắc khoải tìm biết ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.  Khi nhu cầu vật chất và tình cảm của con người tương đối được thoả mãn, người ta sẽ khao khát những điều sâu xa hơn như hoà bình, công lý, tự do, dân chủ.  Điều này cho thấy tự bản chất con người luôn muốn vươn lên, luôn hướng về chân thiện mỹ. Những khao khát tinh thần này nằm trong ý thức của con người, không thể nào dập tắt hoặc đè nén được. Và cùng đích của sự khao khát tâm linh này là được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, Đấng duy nhất đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống con người.

Ngày nay, trước những cơn khát của thời đại, chúng ta cũng đã bao lần dẹp Thiên Chúa sang một bên, hay ít là cũng sống như thể Ngài chẳng có chỗ đứng nào trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần bước ra khỏi cái ảo tưởng cho rằng: tôi sống đạo như thế đủ rồi, đức tin như thế là tạm ổn. Hãy tỉnh táo! Coi chừng chúng ta đang trong thế “quay lưng lại với Thiên Chúa”, đang giãy dụa trong cơn khát trầm trọng. Khát mà không biết mình khát, phải chăng đó là bi kịch cuộc sống ?

Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa và mục đích khi chúng ta nhận ra hạnh phúc của đời mình nằm trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, chứ không phải được xây dựng trên những cái chóng qua của đời này. Khi chúng ta quên điều này, lao đầu tìm kiếm những thứ giải khát tạm bợ, chúng ta sẽ đi vào con đường dẫn đến thất vọng hoặc chán chường.

Cơn khát tâm linh của chúng ta chẳng thể nào được thoả mãn bằng những giá trị của thế gian này. Những cơn khát tình, khát tiền, khát danh vọng, quyền lực, càng cố thoả mãn lại càng khao khát hơn. Tìm cách lấp đầy khát vọng tâm linh bằng bất cứ sự thỏa mãn trần gian nào ngoài Thiên Chúa, người ta sẽ chới với, sẽ hụt hẫng và trống vắng.  Càng lúc càng đói khát hơn!  Khát vọng tâm linh chỉ có Thiên Chúa mới làm ta no thoả được.

Andre Frossard, một ký giả người Pháp đã cho xuất bản cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cách đây vài năm, là con của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông đã từng là một người cộng sản đầy xác tín.

Ngày nọ, ông phải đưa một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng, Chúa đang chờ đợi ông. Trong phút chốc, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức tốc đến người bạn và hô lớn:

- Thiên Chúa hiện hữu. Đó là một chân lý.

Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: “Thiên Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”. Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách những tác phẩm bán chạy nhất (best-seller)…

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con biết Chúa,

xin cho con biết con.

Xin cho con chỉ khát khao một mình Chúa,

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.  Amen.

Antôn Phaolô, SJ

Top