Chúa nhật 26 Thường niên năm C (+video)

Chúa nhật 26 Thường niên năm C (+video)

Chúa nhật 26 Thường niên năm C (+video)

Lc 16,19-31

"Ông Môisen và các Ngôn Sứ
mà họ còn chẳng chịu nghe,

thì người chết có sống lại,
họ cũng chẳng chịu tin đâu" (Lc 16,31).

Có thể nói được bài Tin Mừng hôm nay là một bài Tin Mừng hết sức đặc biệt.

Với câu chuyện hôm nay, Chúa muốn cho chúng ta thấy hai điều rất căn bản này:

+ Bên kia cái chết, nhân cách và ý thức con người vẫn còn tồn tại: người giàu có và Lazarô người nghèo khó vẫn còn tồn tại và vẫn còn nhận ra nhau.

+ Cuộc sống trên đất và cuộc sống ở thế giới bên kia có một sự liên hệ gắn bó mật thiết chặt chẽ với nhau.

Và kết quả là chúng ta thấy:

- Người giàu có sau cái chết đã bước vào thế giới bên kia như một kẻ ăn xin.

- Còn Lazarô người nghèo khó thì được các thiên thần đưa lên đến tận lòng của tổ phụ Abraham... như một kẻ chiến thắng.

Như vậy, vấn đề mấu chốt còn lại mà chúng ta phải suy nghĩ hôm nay là phải sống làm sao để cuộc sống mai sau sẽ trở thành một cuộc cuộc chiến thắng chứ không bao giờ trở thành chiến bại. Mỗi người chỉ có một cuộc đời. Thành công thì sẽ có tất cả. Còn thất bại...chắc là không ai trong chúng ta mong muốn.

Đàng sau làn mức của sự chết thì mọi sự sẽ trở thành vĩnh cửu, không còn có thể thay đổi được bất cứ một sự gì. Đó là một sự thật đáng sợ mà mọi người không được phép coi thường hay không nghĩ tới.

Khi chú giải đoạn Tin Mừng này, Charles Erdman, một trong những chuyên viên chú giải Tin Mừng Luca đã viết rất hay như sau: "Trong thí dụ về người phú hộ và Lazarô, Chúa không dạy rằng làm giàu là một tội. Chúa cũng không quả quyết là tất cả những người nghèo khó đều được lên Thiên Đàng. Ở đây Ngài muốn cảnh cáo con người về cái mối hiểm họa rất nghiêm trọng thường hay xảy ra trong cuộc sống của mỗi người. Đó là cái xu hướng ích kỷ muốn hưởng thụ và sử dụng tiền bạc của mình một cách ích kỷ không cần biết đến ai trên đời này. Tội của người phú hộ giàu có không phải ở chỗ ông ta làm thế nào để có tiền có bạc, cũng không phải ở trong chính sự giàu có của ông ta, nhưng là ở chỗ ông đã có quá nhiều cơ hội để chia sẻ với những người cùng khốn, khó nghèo mà ông đã bỏ qua. Trong khi chính ông, ông lại sống một cách quá xa xỉ. Đáng lý ra ông đã phải biết chia sẻ nhưng ông đã không làm".

Dửng dưng trước những nỗi khốn cùng của người khác là một tội trước mặt Chúa.

Vào một ngày mùa đông lạnh buốt, ông thị trưởng đầu tiên của Thành phố  New York nổi tiếng là giàu có phải chủ tọa một phiên tòa.

Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: "gia đình tôi đang chết đói".

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không dung thứ cho bất kỳ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng phạt 10 đô-la". Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong ví tiền của mình ra 10 đô-la và trao cho người ông lão đáng thương kia để ông nộp phạt theo phán quyết của toà. Sau đó ông quay xuống cử tọa và nói tiếp: "Ông lão này đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quí vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố  giàu có của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng tòa án và trở về tay mình ông lão đếm được tất cả 47 đô-la 50 xu.

Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và thị dân của ông đối với ông lão ăn cắp bánh mì, họ đã sám hối bằng những việc làm rất cụ thể.

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Lazarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá nhiều điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ biết sống chia sẻ yêu thương với mọi người. Amen.

Top